Vốn điều lệ và Lệ Phí Môn Bài

VỐN ĐIỀU LỆ VÀ LỆ PHÍ MÔN BÀI
Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hoạt động đều phải có vốn điều lệ và phải nộp lệ phí môn bài ngay khi thành lập. Quy định về vốn điều lệ tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên trên thực tế rất nhiều đơn vị vi phạm như: góp vốn không đúng thời gian, doanh nghiệp góp vốn bằng tiền mặt, …. Mức phạt của các hành vi này như thế nào? Chúng ta đã hiểu đúng về vốn điều lệ chưa? Nào hãy xem và cùng thảo luận qua bài viết sau:
Vốn điều lệ và lệ phí môn bài

I. VỐN ĐIỀU LỆ
1. Vốn điều lệ là gì
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp: Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên, cổ đông góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn nhất định và được ghi vào Điều lệ công ty.
Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty.
Góp vốn là việc đưa tài sản vào công ty để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của công ty. Tổ chức, cá nhân được mua cổ phần của công ty cổ phần, góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật doanh nghiệp
Đối với doanh nghiệp thì vốn điều lệ là mức cam kết bằng vật chất của chủ doanh nghiệp đối với các đối tác. Hiện nay vốn điều lệ được thể hiện trên đăng ký kinh doanh. Các cổ đông công ty cổ phần và các thành viên công ty TNHH phải góp phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại theo cam kết khi đăng ký thành lập trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp đăng ký doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp tư nhân thì phải góp đủ ngay khi đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân.

2. Thời hạn góp vốn
Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.
Trường hợp đối với doanh nghiệp khi tham gia góp vốn phải đảm bảo quy định không sử dụng tiền mặt được quy định tại điều 3 thông tư 09/2015-BTC như sau:
Điều 3. Hình thức thanh toán trong giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác
A. Các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt (tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành) để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác.


B. Khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp sử dụng các hình thức sau:
a) Thanh toán bằng Séc;
b) Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
c) Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.
3. Doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp khác bằng tài sản (không phải bằng tiền) thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

3. Các hành vi vi phạm về góp vốn
Mức phạt liên quan đến hành vi góp vốn không đúng quy định tại điều 28 luật doanh nghiệp như sau:
Điều 28. Vi phạm các quy định về thành lập doanh nghiệp
  a. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục.
  b. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động khi đã kết thúc thời hạn ghi trong Điều lệ mà không được gia hạn.
  c. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký.
  d. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
     – Cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế;
     – Tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
     – Hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp.
  e. Biện pháp khắc phục hậu quả:

    – Buộc đăng ký chuyển đổi loại hình doanh nghiệp phù hợp với quy định của Luật doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;
    – Buộc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty hoặc đăng ký giải thể đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản
    – Buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều này;
    – Buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn Điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này;
    – Buộc đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.
Trên thực tế việc xử phạt hành vi về không góp đủ vốn điều lệ chưa nhiều nên dẫn đến nhiều đơn vị đăng ký tuy nhiên không góp đủ. Vốn điều lệ một phần thể hiện quy mô và sức mạnh tài chính của doanh nghiệp do đó nhiều doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ quá cao nhưng không góp đủ số đã đăng ký, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với một số vấn đề:
– Rủi ro bị phạt hành chính
– Phải nộp lệ phí môn bài ở mức cao
– Nếu doanh nghiệp góp vốn ảo thì làm cho số dư tiền mặt trên sổ sách cao, khó huy động vốn tại ngân hàng.
– Doanh nghiệp kinh doanh không thuận lợi hoặc rủi ro bị phá sản. Nếu bị khởi kiện hoặc phá sản thì các thành viên chưa góp vốn đủ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho phần vốn góp thiếu so với đăng ký.
Ngược lại nếu doanh nghiệp đăng ký vốn quá thấp sẽ dẫn tới không đủ vốn để hoạt động. Đối tác cũng e dè đối với các doanh nghiệp có vốn quá thấp.

II. LỆ PHÍ MÔN BÀI
Từ ngày 01-01-2017, các quy định của Chính phủ về lệ phí môn bài tại Nghị định 139/2016/NĐ-CP được thực hiện theo hướng dẫn Thông tư 302/2016/TT-BTC ban hành ngày 15-11-2016. Sau đây là một số điểm đáng lưu ý trong thông tư:

1. Mức thu lệ phí môn bài
1.1. Đối với tổ chức kinh doanh
Vốn điều lệ hoặc Vốn đầu tư > 10 tỷ đồng: Mức thu là 03 triệu đồng/năm.
Vốn điều lệ hoặc Vốn đầu tư <= 10 tỷ đồng: Mức thu là 02 triệu đồng/năm.
Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác: Mức thu là 01 triệu đồng/năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với tổ chức hướng dẫn nêu trên căn cứ vào vốn điều lệ ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc ghi trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc ghi trong điều lệ hợp tác xã. Trường hợp không có vốn điều lệ thì căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc văn bản quyết định chủ trương đầu tư.
Tổ chức có thay đổi vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư thì căn cứ để xác định mức thu lệ phí môn bài là vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của năm trước liền kề năm tính lệ phí môn bài.
1.2. Đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh, sản xuất
Doanh thu để làm căn cứ xác định mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân, cụ thể mức thu lệ phí môn bài như sau:
– Doanh thu > 500 triệu đồng/năm: Mức thu 01 triệu đồng/năm.
– Doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: Mức thu 0,5 triệu đồng/năm.
– Doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: Mức thu 0,3 triệu đồng/năm.
Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm; nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế, mã số doanh nghiệp trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức lệ phí môn bài cả năm.

2. Miễn lệ phí môn bài
Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP. Riêng các trường hợp miễn lệ phí môn bài quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP xác định như sau:
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống. Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình được miễn lệ phí môn bài là tổng doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm kinh doanh cố định thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 92/2015/TT-BTC.
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình không có địa điểm kinh doanh cố định bao gồm cả trường hợp cá nhân là xã viên hợp tác xã và hợp tác xã đã nộp lệ phí môn bài theo quy định đối với hợp tác xã; cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán đúng giá thực hiện khấu trừ thuế tại nguồn; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
3. Khai và nộp lệ phí môn bài
Thời hạn khai lệ phí môn bài một lần khi tổ chức mới ra hoạt động kinh doanh, chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh;
Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải khai lệ phí môn bài.
Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 1 hàng năm.
Thông tư 302/2016/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01-01-2017 bãi bỏ Điều 17 Thông tư 156/2013/TT-BTC, đồng thời thay thế các Thông tư sau: Thông tư số 96/2002/TT-BTC, Thông tư số 113/2002/TT-BTC, Thông tư số 42/2003/TT-BTC.

 

Ý kiến bạn đọc (0)


© 2018 Dịch Vụ Kế Toán Thuế Trọn gói tại Hà Nội. Thiết kế Website bởi giakhanh.
X